4 điều cơ bản những kế toán viên giỏi không thể bỏ qua

quy dinh ve mo so ghi no ke toan@800x 100

Kế toán – Công việc từ lâu đã mang tiếng khó nhằn, khiến những nhân viên kế toán giỏi nhất cũng luôn phải đau đầu. Nhưng chỉ cần nắm vững 4 điều cơ bản dưới đây, công việc kiểm kê những con số của bạn không còn là thử thách. Cùng CyberLotus tìm hiểu xem đó là những điều gì nhé!

Mở sổ, ghi sổ, khóa sổ và lưu trữ sổ: “thần chú” mọi kế toán luôn cần ghi nhớ

Điều 26 Luật Kế toán 88/2015/QH13 quy định:

“Điều 26. Mở sổ, ghi sổ, khóa sổ và lưu trữ sổ kế toán

  1. Sổ kế toán phải mở vào đầu kỳ kế toán năm; đối với đơn vị kế toán mới thành lập, sổ kế toán phải mở từ ngày thành lập.
  2. Đơn vị kế toán phải căn cứ vào chứng từ kế toán để ghi sổ kế toán.
  3. Sổ kế toán phải được ghi kịp thời, rõ ràng, đầy đủ theo các nội dung của sổ. Thông tin, số liệu ghi vào sổ kế toán phải chính xác, trung thực, đúng với chứng từ kế toán.
  4. Việc ghi sổ kế toán phải theo trình tự thời gian phát sinh của nghiệp vụ kinh tế, tài chính. Thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán của năm sau phải kế tiếp thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán của năm trước liền kề. Sổ kế toán phải được ghi liên tục từ khi mở sổ đến khi khóa sổ.
  5. Thông tin, số liệu trên sổ kế toán phải được ghi bằng bút mực; không ghi xen thêm vào phía trên hoặc phía dưới; không ghi chồng lên nhau; không ghi cách dòng; trường hợp ghi không hết trang phải gạch chéo phần không ghi; khi ghi hết trang phải cộng số liệu tổng cộng của trang và chuyển số liệu tổng cộng sang trang kế tiếp.
  6. Đơn vị kế toán phải khóa sổ kế toán vào cuối kỳ kế toán trước khi lập báo cáo tài chính và trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
  7. Đơn vị kế toán được ghi sổ kế toán bằng phương tiện điện tử. Trường hợp ghi sổ kế toán bằng phương tiện điện tử thì phải thực hiện các quy định về sổ kế toán tại Điều 24, Điều 25 và các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều này, trừ việc đóng dấu giáp lai. Sau khi khóa sổ kế toán trên phương tiện điện tử phải in sổ kế toán ra giấy và đóng thành quyển riêng cho từng kỳ kế toán năm để đưa vào lưu trữ. Trường hợp không in ra giấy mà thực hiện lưu trữ sổ kế toán trên các phương tiện điện tử thì phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu và phải bảo đảm tra cứu được trong thời hạn lưu trữ.”

Nội dung chủ yếu của Điều 24 và Điều 25 như sau:

Điều 24: Sổ kế toán phải ghi rõ tên đơn vị kế toán; tên sổ; ngày tháng năm lập sổ, khóa sổ; chữ ký của người lập sổ, kế toán trưởng, người đại diện theo pháp luật; số trang; dấu giáp lai. Sổ kế toán phải có các nội dung chủ yếu theo quy định.

Điều 25: Mỗi đơn vị kế toán chỉ sử dụng một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm.

Gian lận số liệu kiểm kê: sai một li, đi 1.000.000 – 5.000.000 đồng

Điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định:

“Điều 16. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về kiểm kê tài sản

  1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
  2. a) Không lập Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê hoặc báo cáo kết quả kiểm kê không có đầy đủ chữ ký theo quy định;
  3. b) Không phản ảnh số chênh lệch và kết quả xử lý số chênh lệch giữa số liệu kiểm kê thực tế với số liệu sổ kế toán.
  4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện kiểm kê tài sản theo quy định.”

Như vậy hành vi không phản ảnh số chênh lệch và kết quả xử lý số chênh lệch giữa số liệu kiểm kê thực tế với số liệu sổ kế toán thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Và mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân, đối với tổ chức thì mức phạt sẽ gấp 02 lần quy định trên căn cứ theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 41/2018/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 5 Nghị định 102/2021/NĐ-CP.

Không in sổ kế toán ra giấy sau khi khóa sổ trên phương tiện điện tử cũng là cái tội

Điểm c Khoản 2 Điều 9 Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định:

“Điều 9. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về sổ kế toán

  1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
  2. a) Sổ kế toán không được ghi đầy đủ theo các nội dung chủ yếu theo quy định;
  3. b) Sửa chữa sai sót trên sổ kế toán không theo đúng phương pháp quy định;
  4. c) Không in sổ kế toán ra giấy sau khi khóa sổ trên phương tiện điện tử đối với các loại sổ kế toán phải in ra giấy theo quy định.”

Hiện tại không có quy định ràng buộc phải in sổ kế toán theo tháng hoặc theo quý hoặc theo năm, nhưng nếu không in sổ kế toán ra giấy sau khi khóa sổ trên phương tiện điện tử đối với các loại sổ kế toán phải in ra giấy theo quy định thì có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000.

Mức phạt bằng tiền này áp dụng đối với cá nhân, đối với tổ chức thì mức phạt sẽ gấp 02 lần quy định trên (quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 102/2021/NĐ-CP sửa đổi Khoản 2 Điều 6 Nghị định 41/2018/NĐ-CP).

Khoản 7 Điều 26, Luật kế toán 88/2015 quy định:

Sau khi khóa sổ kế toán trên phương tiện điện tử phải in sổ kế toán ra giấy và đóng thành quyển riêng cho từng kỳ kế toán năm để đưa vào lưu trữ. Trường hợp không in ra giấy mà thực hiện lưu trữ sổ kế toán trên các phương tiện điện tử thì phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu và phải bảo đảm tra cứu được trong thời hạn lưu trữ.

Đảm bảo đầy đủ các loại sổ sách kế toán cần in cuối năm 

1. Sổ sách kế toán tổng hợp:

Tùy theo hình thức ghi sổ kế toán doanh nghiệp lựa chọn mà sẽ có sổ sách kế toán tổng hợp tương ứng:

  •                 Sổ nhật ký chung (hình thức ghi sổ Nhật ký chung).
  •                 Nhật ký sổ cái (hình thức ghi Nhật ký sổ cái).
  •                 Nhật ký chứng từ số 7, số 8 (hình thức ghi Nhật ký chứng từ).
  •                 Chứng từ ghi sổ (hình thức ghi Chứng từ ghi sổ).

2. Sổ cái các tài khoản phát sinh trong năm tài chính:

Dựa vào tất cả các tài khoản được ghi trong Bảng cân đối kế toán, có bao nhiêu tài khoản thì sẽ in bấy nhiêu sổ cái tương ứng.

3. Sổ chi tiết các tài khoản

  •                 Sổ chi tiết tiền mặt: Sổ nhật ký thu tiền; Sổ nhật ký chi tiền; Sổ quỹ tiền mặt;
  •                 Sổ tiền gửi ngân hàng: kèm theo chứng từ ngân hàng phía sau sổ;
  •                 Sổ nhật ký mua/ bán hàng hoá
  •                 Sổ chi tiết công nợ: Sổ chi tiết và tổng hợp công nợ phải thu của khách hàng; Sổ chi tiết và tổng hợp công nợ phải trả cho nhà cung cấp;
  •                 Sổ chi tiết tạm ứng, phải thu, phải trả khác;
  •                 Sổ chi tiết vay mượn khác;
  •                 Sổ cái các tài khoản sau: các loại tài khoản có trên bảng CĐ phải kèm theo sổ cái của tài khoản đó; các khoản nộp NSNN kẹp chung cùng TK 333, các khoản vay kẹp cùng TK 311, 341; bảng lương kẹp cùng TK 334, v.v.
  •                 Sổ chi tiết tài sàn sản cố định: Sổ tổng hợp tình hình tăng/ giảm TSCĐ; Sổ khấu hao TSCĐ;
  •                 Công cụ, dụng cụ: Sổ tổng hợp tình hình tăng/ giảm CCDC; Phân bổ CCDC;
  •                 Vật tư, hàng hoá: Thẻ kho; Sổ chi tiết vật tư; Bảng tổng hợp nhập xuất hàng tồn của từng kho.
  •                 Lương: Bảng chấm công hàng tháng; Bảng lương hàng tháng.

 

——————

Tài liệu tham khảo:

– Luật Kế toán 2015

– Nghị định 41/2018/NĐ-CP;

– Nghị định 102/2021/NĐ-CP;

– Các bài viết liên quan.

Lời kết

Công việc kế toán vẫn luôn chẳng hề dễ dàng, nhưng nếu bạn luôn lưu tâm 4 điều cơ bản trong bài viết này, chắc chắn mỗi ngày đi làm của bạn sẽ dễ thở hơn rất nhiều.

Nef Digital SEOON